QUẢN LÝ SÂU HẠI ĐIỀU
Rệp sáp (Ferrisia virgata)
- Khả năng gây hại
Ấu trùng và con trưởng thành của rệp sáp chích hút nhựa từ các bộ phận của cây làm khô héo chồi, phát hoa và cả trái cây đang phát triển. Chúng thường sống ở bề mặt dưới của lá, cành cây, bông hoa và chùm quả.
- Biện pháp quản lý
– Cắt tỉa và tiêu hủy các bộ phận bị hại.
– Tưới nước cho vườn cây trong mùa khô.
– Phun thuốc khi mật số rệp cao sử dụng các chế phẩm có hoạt chất Profenofos hay các hỗn hợp (Profenofos + Cypermethrin); (Thiamethoxam + Lamda-Cyhalothrin)…
Sâu đục thân/xén tóc (Placaederus ferrugineus L.)
- Khả năng gây hại
Có 2 loài xén tóc: đục thân gốc và thân cành. Chúng khác nhau là con trưởng thành có màu nâu đỏ và màu đen. Con cái đẻ trứng vào các vết nứt trên thân nơi bộ phận mà chúng tường gây hại. Ấu trùng nở ra có màu trắng vàng nhạt, đục vào bên trong thân cây theo nhiều đường ngoằn ngoèo và ăn vào tận trung tâm làm tắc nghẽn các mạch dẫn nhựa nuôi các cành bên trên nên dần dần cây bị suy và chết, lỗ đục do ấu trùng của sâu đục thân có nhiều phân và chất thải giống mạt cưa cùng nhựa cây tiết ra. Nhộng thường ở phần vỏ gần mặt đất hay nơi chúng gây hại.
- Biện pháp quản lý
Cần thăm vườn thường xuyên để phát hiện sớm khi sâu mới đục ở phần vỏ. Khi phát hiện sâu, bóc chỗ vỏ có dấu sâu đục hoặc vạt nơi sâu đục thân để bắt sâu non, nhộng và trứng, cưa bỏ và tiêu huỷ các cành bị đục.
– Dùng bình bơm hoặc xi lanh bơm dung dịch thuốc trừ sâu có hoạt chất Profenofos hay hỗn hợp (Profenofos + Cypermethrin). Hoặc đặt các miếng gòn có tẩm các loại thuốc trên vào nơi có sâu đục, bịt kín lỗ đục lại bằng đất sét.
– Quét vôi hoặc trộn các loại thuốc hạt nhóm Diazinon hay Carbofuran với bùn loãng (gồm đất sét + phân trâu bò) theo tỉ lệ 1:4 quét lên thân cây từ 1m trở xuống vào đầu mùa khô (tháng 12 dl) để ngăn chặn sự đẻ trứng và ấu trùng xâm nhập.
Bọ xít muỗi (Helopeltis sp.)
- Khả năng gây hại
Bọ xít muỗi trưởng thành và ấu trùng có hình dạng gần giống nhau. Chúng xuất hiện quanh năm nhưng gây hại nặng vào cuối mùa mưa đến sau thu hoạch (12-01 dl). Con cái đẻ trứng vào chồi non. Bọ xít chích hút trên lá, chồi, cành hoa và trái non hút và tiết nhựa màu trắng trong, lá non bị chích khô trắng lại, khó rụng, có khi khô cả chùm hoa, trái non rụng nhiều. Vết chích bị nấm phụ sinh tấn công nên có màu đen, rất dễ nhằm lẫn với bệnh thán thư. Bọ xít muỗi thường xuất hiện nhiều vào sáng sớm và chiều mát và đa ký chủ.
- Biện pháp quản lý
– Thời điểm phải thường xuyên thăm vườn để theo dõi và phát hiện bọ xít muỗi là từ tháng 11 dl.
– Vệ sinh dọn dẹp cỏ dại, cắt tỉa cành thông thoáng sau thu hoạch và trong mùa mưa.
– Dùng các loại thuốc có hoạt chất Thiamethoxam , Lambda-cyhalothrin hay hỗn hợp Thiamethoxam + Lamda-Cyhalothrin…
* Chú ý: Khi phun thuốc phòng trừ bọ xít muỗi nên phun vào lúc 6 giờ sáng hoặc sau 4 giờ chiều
Bọ trĩ (Selenothrips rubrocinctus)
- Khả năng gây hại
Bọ trĩ phá hoại nhiều khi cây ra đọt non và ra bông, kết trái. Do vòng đời ngắn nên bọ trĩ có rất nhiều thế hệ liên tiếp nhau gây hại nặng cho điều nhất là vào đầu mùa khô (12-2 dl).
Bọ trĩ gây hại bằng cách cứa rách lớp biểu bì ở các bộ phận non và liếm hút nhựa chảy ra nên lá đọt kém phát triển, có màu trắng bạc, hoa và trái non bị khô và rụng, vỏ hạt bị hiện tượng da cám, vỏ trái giả bị chai sần, nứt chảy nước và thối.
- Biện pháp quản lý
Từ tháng 11 dl phải thường xuyên thăm vườn để phát hiện bọ trĩ.
– Vệ sinh dọn dẹp cỏ dại, cắt tỉa cành thông thoáng sau thu hoạch và trong mùa mưa.
– Dùng thuốc như Actara 25WG hay các sản phẩm có hoạt chất Lamda-Cyhalothrin , Thiamethoxam hay hỗn hợp (Thiamethoxam + Lamda-Cyhalothrin)… Chú ý nên xịt lúc sáng sớm và chiều mát.
Rầy mềm (Aphis sp.)
- Khả năng gây hại
Rầy mềm ấu trùng có dạng tròn lớn hơn hạt mè, màu hồng có một lớp phấn trắng. Rầy bám thành từng mảng dày trên chồi lá, chồi hoa, hoặc chích hút nhựa ở trái non, sau đó chất thải của rầy bị nấm ký sinh làm đen trái non và rụng.
- Biện pháp quản lý
Rầy mềm chích hút phá hoại nhiều vào giai đoạn điều ra đọt non và ra bông, kết trái. Vì vậy, từ tháng 11 dl phải thường xuyên thăm vườn để phát hiện sâu,
– Vệ sinh dọn dẹp cỏ dại, cắt tỉa cành thông thoáng sau thu hoạch và trong mùa mưa để chủ động hạn chế mật số rầy mềm.
– Dùng các loại thuốc có hoạt chất Lamda-Cyhalothrin, Thiamethoxam hay hỗn hợp (Thiamethoxam + Lamda-Cyhalothrin)… chú ý, nên xịt lúc sáng sớm và chiều mát.
Sâu đục lòn lá (Acrocercops syngramma)
- Khả năng gây hại
Sâu đục lòn gân lá điều gây hại nặng vào mùa khô, chúng có kích thước rất nhỏ. Thông thường, sâu đục vào biểu bì lá non, tạo thành những vết phồng màu trắng làm hạn chế khả năng quang hợp và dẫn đến giảm thấp năng suất của cây.
- Biện pháp quản lý
Có thể dùng những loại thuốc có hoạt chất Lamda-Cyhalothrin, Profenofos…để phun. Cần chú ý về thời điểm phòng trừ.
Sâu róm đỏ (Cricula trifnestrata)
- Khả năng gây hại
Sâu róm đỏ, lúc nhỏ sống thành từng đàn trên một vài lá. Khi lớn phát tán ra. Nhiều lúc ăn trụi lá cả cây. Sâu hóa nhộng trong những kén tơ vàng ánh. Sâu có thể gây dịch lớn. Sâu xuất hiện vào đầu mùa khô.
- Biện pháp quản lý
– Tổ chức vệ sinh vườn điều thông thoáng, tỉa cành tạo tán kết hợp thu gom các ổ sâu non, ổ trứng trên cành điều.
– Khi sâu bùng phát quá nhiều, phải dùng các loại thuốc trừ sâu có hoạt chất LamdaCyhalothrin hay hỗn hợp (Thiamethoxam + Lamda-Cyhalothrin)… hòa nước phun đẫm đều nơi sâu non đang phân tán.
Sâu hại khác
- Khả năng gây hại
Câu cấu: phàm ăn, chúng ăn cụt các đọt non, lá non, lá bánh tẻ và quả non. Quả bị hại nặng có thể rụng, quả bị nhẹ làm vỏ quả biến dạng, giảm phẩm cấp thương phẩm quả.
Bọ hung: đục phá làm gãy cành điều dẫn đến thiệt hại lớn cho vườn điều.
Bọ xít: hoạt động vào lúc sáng sớm hay chiều mát. Cả con trưởng thành và con ấu trùng chích hút dịch lá, trái. Chỗ vết chích có một chấm nhỏ và một quầng màu nâu. Nếu trái còn nhỏ đã bị bọ chích hút nhiều thì trái sẽ vàng, chai và rụng sớm. Nếu trái đã lớn mới bị bọ gây hại thì trái dễ bị thối rồi rụng.
- Biện pháp quản lý
– Tổ chức vệ sinh vườn điều thông thoáng.
– Tỉa cành tạo tán.
– Thu gom các ổ sâu non, ổ trứng trên cành.
– Khi sâu bùng phát dịch hại, phải dùng các loại thuốc trừ sâu có hoạt chất LamdaCyhalothrin hay hỗn hợp (Thiamethoxam + Lambda-Cyhalothrin)… hòa nước phun đẫm đều nơi sâu non đang phân tán.
Bọ vòi voi đục chồi /đục nõn (Alcidodes sp.)
- Khả năng gây hại
Có kích thước nhỏ 7-8mm, màu đen, phần miệng kéo dài như vòi voi. Trưởng thành đẻ trứng vào các chồi non, sâu chích hút chồi làm cây không phát triển được, sâu phá nhiều vào giai đoạn ra đọt non.
- Biện pháp quản lý
Nên cắt bỏ, gom đốt các chồi hư. Khi mật độ nhiều có thể dùng các loại thuốc như có hoạt chất Profenofos; LambdaCyhalothrin hay hỗn hợp (Thiamethoxam + Lambda Cyhalothrin); (Profenofos + Cypermethrin)…
Very instructive and excellent complex body part of subject matter, now that’s user genial (:.