QUẢN LÝ BỆNH HẠI ĐIỀU
Bệnh thán thư (Collectotrichum gloeosporioides)
- Điều kiện phát sinh, phát triển
Bệnh do nấm Colletotrichum gloeosporoides gây ra. Bệnh gây hại nặng và phổ biến ở các vùng trồng điều có ẩm độ cao và mưa nhiều hay lúc cây điều đang trổ hoa gặp sương mù dày đặc kèm theo nhiệt độ thấp từ 24-320C.
- Khả năng gây hại
Vết bệnh lúc đầu là những chấm nhỏ có màu nâu đỏ, sau đó chảy nhựa nếu bị bệnh nặng. Vết bệnh trên chồi non phát triển theo chiều dọc và lan dần vòng tròn hết cả chồi. Lá non bị bệnh trở nên khô đen, vỡ nát. Hoa, trái bị khô đen, cụp xuống và rụng. Hạt và trái non bị bệnh thường bị thối đen, nhăn lại, khô đen hay rụng non. Cành có thể bị khô và chết dần.
- Biện pháp quản lý
– Sau khi thu hoạch phải tiến hành tỉa bỏ những cành vô hiệu, sâu bệnh giúp cây thông thoáng, đầy đủ ánh sáng.
– Chọn xử lý các loại thuốc có hoạt chất Difenoconazole ; Metalaxyl + Mancozeb luân phiên với các hoạt chất Azoxystrobin hay các hỗn hợp (Difenoconazole+Propiconazole)… Có thể hỗn hợp với thuốc trừ sâu để ngừa luôn bọt xít muỗi và bọ trĩ. Nên phun vào các giai đoạn sau:
+ Giai đoạn 1: khi vừa ra lá non (phun từ 1-2 lần)
+ Giai đoạn 2: Khi vừa nhú hoa
+ Giai đoạn 3: Khi vừa đậu trái to bằng hạt đậu phộng.
Cần xác định chính xác tác nhân gây hại trên hoa điều, để phân biệt bọ xít muỗi, bọ trĩ hay bệnh thán thư để xử lý đúng.
Bệnh nấm hồng (Corticium salmonicolor )
- Điều kiện phát sinh, phát triển
Bệnh xuất hiện vào giữa mùa mưa do điều kiện nóng và ẩm độ cao (khoảng tháng 6-9 dl trong năm). Bệnh cũng gây hại nghiêm trọng trên các vườn trồng dày, thiếu cân đối dinh dưỡng.
- Khả năng gây hại
Bệnh xâm nhiễm và lây lan từ đọt cành xuống, ban đầu là các đốm trắng trên vỏ, sau chuyển sang hồng gây chết khô cành. Lá trên cành bị bệnh vàng và rụng dần cùng với hiện tượng khô cành.
- Biện pháp quản lý
– Nên chọn giống điều ghép cho năng suất cao, phù hợp với điều kiện đất đai và khí hậu ở địa phương.
– Mật độ cây dày vừa phải từ 100 – 120 cây/ha.
– Bón phân đầy đủ và cân đối theo tuổi cây.
– Sau thu hoạch, vệ sinh vườn, cắt tỉa cành thông thoáng để hạn chế sâu bệnh hại.
– Cắt và đốt bỏ thân cành bệnh.
– Thường xuyên kiểm tra phát hiện sớm sâu bệnh.
– Giai đoạn bắt đầu ra lá non và ra hoa kết trái cần chủ động phun kết hợp các loại thuốc BVTV với phân bón lá để phòng trừ sâu bệnh và tăng cường dinh dưỡng để nuôi bông trái.
– Khi phát hiện vết bệnh, dùng sản phẩm có hoạt chất Hexaconazole; hay hỗn hợp (Difenoconazole + Propiconazole)… bôi vết cắt tỉa cành, đồng thời phun lên toàn cây.
Chết cây con (Phytophthora palmivora)
- Điều kiện phát sinh, phát triển
– Bệnh thường xảy ra trong vườn ươm, điều kiện chăm sóc kém.
– Ngập úng là điều kiện thuận lợi cho bệnh xuất hiện.
– Có thể có nhiều tác nhân gây hại cùng lúc để gây ra hiện tượng chết cây con.
- Khả năng gây hại
– Nấm tấn công rễ hay vùng cổ rễ của cây con gây chết cây.
– Khi cây con bị nhiễm nấm sẽ bị vàng lá.
– Vết bệnh sũng nước ở vùng cổ rễ, sau đó chuyển đen vòng quanh thân, cây bị khô gãy và chết.
– Trên lá, bị nhiễm bệnh nặng, vết bệnh sũng nước. Vết bệnh lan rộng cả phiến lá.
- Biện pháp quản lý
– Tưới tiêu hợp lý cho vườn ươm cây con.
– Phủ nilon quanh gốc cây vào mùa mưa.
– Tưới gốc bằng hỗn hợp hoạt chất (Metalaxyl + Mancozeb) hay cạo sạch vết bệnh, pha 30g/lít nước quét vào gốc cây.
Thối cành rụng lá (Phytophthora nicotianae var. nicotianae)
- Điều kiện phát sinh, phát triển
Bệnh phát triển và gây hại nặng trong mùa mưa trên những vườn có điều kiện vệ sinh kém, trồng dày, khó thoát nước. Tháng 6-8 trong năm là thời gian nóng nhất trong năm và mưa già nên nguy cơ xuất hiện bệnh cao nhất.
- Khả năng gây hại
Vết đen chạy dài đen trên thân cây có tiết dịch (nhựa). Sau đó, xâm nhiễm và lây lan lên và xuống, gây ra hiện tượng vàng rụng lá. Các lá già ở vị trí thấp hơn cũng bị nhiễm bệnh với các vết đen chạy dài màu đen trên giữa gân, sau đó lan rộng ra 2 bên phiến lá. Các lá bị nhiễm sẽ sớm rụng.
- Biện pháp quản lý
Vệ sinh vườn cây bằng cách cắt tỉa và tiêu hủy cành lá bị bệnh. Thoát nước tốt cho vườn.
Phun hỗn hợp hoạt chất (Metalaxyl + Mancozeb) trên cành lá để kiểm soát bệnh. Trong trường hợp phát hiện vết chảy nhựa trên thân, cành… cần cạo sạch rồi bôi dung dịch hỗn hợp hoạt chất (Metalaxyl + Mancozeb) – 30g/1 lít nước.
Đốm rong trên lá (Cephaleuros sp.)
- Điều kiện phát sinh, phát triển
Đốm rong trên do tảo gây ra. Tuy bệnh không quá nguy hiểm nhưng cũng gây thiệt hại cho vườn trong điều kiện canh tác kém, môi trường khắc nghiệt, đất không thông thoáng, nhiều cỏ dại và sự xâm nhiễm của côn trùng và nhện…
- Khả năng gây hại
Vết bệnh là những đốm như nhung màu cam hay gỉ sắt, kích thước từ 3-5mm, nhiều đốm này có thể liên kết lại thành mảng lớn, về sau những đốm này chuyển sang màu xanh xám.
Bệnh làm giảm sức sống của cây do làm giảm quang hợp và tạo điều kiện xâm nhiễm của các dịch hại khác vì chúng có thể tấn công trên lá, nhánh, cành non, và gây ra những vết nứt trên vỏ cây.
- Biện pháp quản lý
Khi cây có cường lực kém sẽ nhiễm bệnh nhiều hơn. Vì vậy, biện pháp đầu tiên là bón phân tưới nước hợp lý, tránh thiếu dinh dưỡng và tạo ẩm độ không khí cao xung quanh tán cây. Tạo sự thông thoáng giữa các cây. Trồng cây với mật độ thích hợp. Nên phòng trừ bệnh bằng hỗn hợp hoạt chất (Metalaxyl + Mancozeb) hay gốc đồng.