QUẢN LÝ CÔN TRÙNG – NHỆN – TUYẾN TRÙNG HẠI CÀ CHUA
Bọ trĩ (Frankliniella schultzei)
- Khả năng gây hại
– Bọ trĩ rất nhỏ, mang 4 cánh dài, hẹp, màu vàng nhạt, thân dài khoảng 1mm.
– Sâu non chích hút ở lá non để lại những đốm tròn trong như giọt dầu, ở giữa có 1 chấm vàng, lúc đầu vàng trắng, sau biến thành nâu đen. Khi bị hại, các chồi non, lá non, nụ hoa không phát triển, cánh hoa bị quăn lại.
– Bọ trĩ di chuyển rất nhanh, khi trời nắng chúng chui nấp trong bẹ lá hoặc trong các lớp lá non ở ngọn,
– Bọ trĩ thường phát triển và gây hại nặng trong mùa khô.
- Biện pháp quản lý
– Chăm sóc cây khỏe để hạn chế sự gây hại của bọ trĩ.
– Tưới đủ ẩm cho cây trong suốt mùa khô.
– Có thể sử dụng một số hoạt chất như Pymetrozin hay hỗn hợp (Chlorantraniliprole + Abamectin)…
- Khả năng gây hại
Thành trùng đực có kích thước nhỏ, toàn thân phủ lông lưa thưa và thường có màu xanh, trắng hay đỏ, thành trùng cái màu vàng nhạt hay hơi ngả sang màu xanh lá cây. Sau khi bắt cặp, thành trùng cái bắt đầu đẻ trứng từ 2-6 ngày, mỗi nhện cái đẻ khoảng 70 trứng.
Trứng rất nhỏ, hình cầu, bóng láng và được gắn chặt vào mặt dưới của lá. Khoảng 4-5 ngày sau trứng nở.
Ấu trùng nhện đỏ rất giống thành trùng nhưng chỉ có 3 đôi chân thay vì là 4 đôi. Con cái thay da 3 lần trong khi con đực thay da chỉ có 2 lần. Giai đoạn ấu trùng phát triển từ 5-10 ngày. Nhện đỏ hoàn tất một thế hệ từ 20-40 ngày.
Nhện di chuyển rất nhanh và nhả tơ mỏng bao thành một lớp ở mặt dưới lá nên trông lá có màu trắng dơ do lớp da để lại sau khi lột cùng với bụi và những tạp chất khác. Cả ấu trùng và thành trùng nhện đỏ đều chích hút mô của lá cây làm cây bị mất màu xanh và có màu vàng và sau cùng lá sẽ bị khô đi. Màu vàng của lá dễ nhìn thấy nhất là ở mặt dưới lá, làm giảm phẩm chất và năng suất trái.
- Biện pháp quản lý
– Duy trì quần thể thiên địch trên ruộng cà nhện đỏ Galandromus occidentalis, bù lạch 6 chấm Scolothrips sexmaculatus, bù lạch bông Frankliniella occidentalis, bọ rùa Stethorus sp., bọ xít nhỏ Orius tristicolor và Chysoperla carnea.
– Phun thuốc có hoạt chất hỗn hợp Chlorantraniliprole + Abamectin…
Bọ rầy cưa (Nesidiocoris tenuis)
- Khả năng gây hại
– Sâu non mới nở màu vàng nhạt sau chuyển sang màu xanh. Râu đầu và chân dài, di chuyển rất nhanh, cơ thể không có cánh. Trưởng thành có cánh và bay rất nhanh. Cơ thể dài 2,5-3mm, ban đầu màu xanh về sau chuyển sang nâu.
– Sâu non và trưởng thành đều sinh sống bằng hút nhựa cây, chúng bám ở tất cả các bộ phận như thân cành, nhánh, lá hoa, quả. Con trưởng thành tiện quanh thân cây tạo thành một vòng tròn màu nâu, khi gặp gió sẽ làm thân cây gãy ngang ngay tại vết tiện. Đồng thời, thường để lại những vết thâm đen xung quanh thân cây. Hại nặng sẽ làm gãy thân cây.
– Rầy cưa là môi giới truyền bệnh virus cho cây.
– Thời tiết nóng khô thuận lợi cho bọ cưa phát triển.
- Biện pháp quản lý
– Gieo trồng mật độ vừa phải.
– Bón phân và tưới nước đầy đủ.
– Vệ sinh đồng ruộng thường xuyên
– Sử dụng một số loại thuốc có hoạt chất Pymetrozin…
Sâu đục trái (Heliothis armigera)
- Khả năng gây hại
– Bướm hoạt động vào ban đêm, đẻ trứng rải rác trên mặt lá, nụ và hoa. Bướm cái có thể đẻ gần 1.000 trứng.
– Sâu non phá hại búp non, nụ hoa và đục vào trái, vết đục rất gọn. Sâu đục đến đâu đùn phân ra đến đó, một nửa thân nằm bên ngoài, một nửa nằm trong quả.
– Các lá và chùm hoa bị sâu non ăn có thể bị gãy làm giảm số lượng trái sau này.
– Khi sâu non xâm nhập vào trái, làm trái bị thối, giảm chất lượng sản phẩm khi thu hái.
- Biện pháp quản lý
– Thu gom và tiêu hủy triệt để quả đã bị sâu đục.
– Phun thuốc khi thấy trưởng thành xuất hiện 3-4 ngày hoặc sau thời kỳ hoa nở.
– Sử dụng luân phiên các thuốc có hoạt chất Lufenuron hay các hỗn hợp Chlorantraniliprole + Abamectin …
Bọ phấn (Bemisia tabaci)
- Khả năng gây hại
– Trưởng thành có kích thước nhỏ, dài khoảng 0.8-1.5mm. Trên cơ thể phủ một lớp sáp màu trắng, chân dài và mảnh.
– Trứng rất nhỏ hình bầu dục, màu trắng trong sau chuyển sang màu nâu nhạt rồi thành màu nâu xám.
– Ấu trùng màu vàng nhạt, hình ô van, dài ~0.7-0.9mm. Nhộng giả hình bầu dục, màu sáng, có lông thưa ở 2 bên sườn.
– Trưởng thành hoạt động vào sáng sớm và chiều mát.
– Ấu trùng cuối tuổi 1 ở mặt dưới lá, tại đó lột xác và sống cố định cho đến lúc trưởng thành. Bọ phấn hút nhựa làm cho cây có thể bị héo, ngả vàng và chết. Bọ phấn tiết ra dịch ngọt là môi trường cho nấm muội đen phát triển.
– Bọ phấn còn truyền các bệnh virus gây bệnh cho cây.
- Biện pháp quản lý
– Tiêu huỷ triệt để tàn dư cây trồng.
– Tưới đủ ẩm cho ruộng trồng.
– Không trồng liên tục các loại cây mẫn cảm với bọ phấn
– Khi ruộng bị nhiễm bọ phấn có thể phun luân phiên các loại thuốc có hoạt chất
Pymetrozin và các sản phẩm đặc trị khác…
Ruồi hại lá (Liriomyza spp.)
- Khả năng gây hại
– Ruồi có vòng đời trung bình 25-30 ngày.
– Trưởng thành là loài ruồi nhỏ, dài 2-3mm, màu đen, đẻ trứng vào dưới biểu bì của lá và chích hút nhựa cây tạo thành những vết sần sùi trên lá.
– Trứng có hình ô van dài, rất nhỏ, có màu trắng trong sau chuyển màu vàng nhạt.
– Sâu non là dạng dòi, không chân, màu trắng trong. Chúng đục thành đường ngoằn ngoèo trên lá, tạo điều kiện cho vi khuẩn và nấm xâm nhập. Nếu bị hại nặng sẽ làm giảm khả năng quang hợp, làm giảm năng suất cây trồng.
– Nhộng màu nâu vàng, dính trên lá chỗ cuối đường đục hoặc rơi xuống mặt đất.
- Biện pháp quản lý
– Vệ sinh đồng ruộng, hủy triệt để tàn dư cây trồng
– Dùng bẫy dính màu vàng để diệt ruồi.
– Ruồi có khả năng kháng thuốc rất cao, vì vậy cần dùng luân phiên các loại thuốc có hoạt chất Cyromazine và Chlorantraniliprole + Abamectin …
Tuyến trùng hại rễ (Meloidogyne sp.)
- Quy luật phát sinh, phát triển
Tuyến trùng có thể lan truyền theo dòng nước tưới tiêu, cây giống, phân bón. Ở vùng cao nguyên, đất đồi và cơ cấu nhẹ thường bị tuyến trùng nặng hơn đất nặng. Nhiệt độ 26-28oC rất thuận lợi cho sự phát triển của tuyến trùng, chúng sẽ chết ở 40-50oC.
- Khả năng gây hại
Tuyến trùng Medoloigyne chích hút rễ của nhiều loại cây làm cho rễ cây phình ra tạo ra các khối u của rễ, làm cây phát triển chậm, còi cọc, tạo điều kiện thuận lợi cho các vi khuẩn tấn công như vi khuẩn gây bệnh héo xanh.
– Tuyến trùng gây hại sẽ giảm ra rễ thứ cấp, làm giảm khả năng sinh trưởng của cây.
- Biện pháp quản lý
– Luân canh cây trồng với họ hành tỏi.
– Tăng cường bón phân hữu cơ sẽ hạn chế tuyến trùng hại rễ.
– Biện pháp hóa học: sử dụng các chế phẩm có hoạt chất Abamectin tưới gốc kết hợp với Metalaxyl để diệt các nấm cơ hội có thể tấn công hại rễ như Phytopthora, Pythium, Rhizoctonia…